Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 2019: Người dùng Facebook cần lưu ý những gì?

Người đăng: Admin 1,351

Để tránh những vi phạm được quy định trong luật, người dùng mạng xã hội cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng hoặc chia sẻ trên trang cá nhân.

Để tránh những vi phạm được quy định trong luật, người dùng mạng xã hội cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng hoặc chia sẻ trên trang cá nhân.

Khi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng sẽ siết chặt hơn nữa các hoạt động trên môi trường mạng. Theo đó, sẽ có thêm nhiều điều luật nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh mạng đồng thời sẽ xử phạt theo các quy định của pháp luật. Điều này cũng đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet phải hiểu về quyền và có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, để xây dựng xã hội số an toàn, an ninh hơn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Chúng ta phải mạnh tay hơn để yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đặc biệt là yêu cầu về gỡ bỏ thông tin. Quan trọng nhất là chúng ta thượng tôn pháp luật. Đồng thời chúng ta cũng xử lý những người đưa thông tin sai trên mạng. Mạng xã hội giờ không còn là ảo nữa mà là thật rồi. Chúng ta không nên bỏ trống trận địa này".

Điều 8, Luật An ninh mạng quy định hành vi bị nghiêm cấm mà người sử dụng Facebook hay mắc phải như: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Khoản 1, điều 17 quy định việc người sử dụng mạng xã hội không được làm là: Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một nhân viên văn phòng đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ: "Mình rất thận trọng khi chia sẻ thông tin mà mình chưa rõ nguồn gốc hoặc những thông tin ảnh hưởng đến người khác. Việc này được đưa vào Luật, quy định cụ thể theo tôi là rất tốt để mỗi người phải có ý thức trách nhiệm đối với những phát ngôn hay những thông tin mình đăng tải".

Điều 9 của luật cũng quy định xử lý vi phạm về an ninh mạng. Cụ thể, người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người sử dụng mạng internet cần tìm hiểu thông tin về những quy định của Luật, về những việc không được làm để bảo vệ chính mình, tránh những vi phạm do thiếu hiểu biết.

Anh Đặng Hữu Phúc, sinh viên năm thứ 3, Học viện Ngân hàng cho rằng: "Thông tin phải nhiều chiều. Những thông tin chưa xác định được đúng, sai, có những thông tin của người khác chỉ nhằm mục đích câu like thôi, thì mình phải chọn lọc và cân nhắc trước khi chia sẻ. Các cơ quan truyền thông cũng nên thông tin thêm về những điều không nên làm và những việc bị cấm để người dân biết, vì có nhiều thông tin người dân chưa nắm bắt được".

Để lại ý kiến

Cho chúng tôi và cộng đồng biết quan điểm của bạn