Viral Marketing là gì? Những lưu ý để tạo ra những chiến dịch Viral Marketing thành công

Người đăng: Thúy 875

Khi nhắc đến Viral Marketing người ta nghĩ ngay đến những chiến dịch tạo hiệu ứng lan truyền đến chóng mặt trên khắp các trang mạng xã hội. 

Nhưng liệu viral marketing chỉ dừng lại ở những video youtube tỷ views hay một từ hot trend thu về hàng triệu hashtag trên Tiktok? Viral marketing là gì và còn có điều gì bạn chưa biết sau những “hào nhoáng”, ồn ào trên mạng xã hội? 

Cùng Zozo tìm hiểu sâu hơn về Viral Marketing trong bài viết này nhé!

1. Viral Marketing là gì? 

Viral Marketing hay tiếp thị lan truyền là một chiến lược Marketing có khả năng tác động đến hành vi chia sẻ, lan truyền nội dung, thông điệp từ người này đến người khác một cách nhanh chóng. 

Viral Marketing có thể ở dạng video clip, podcast, hình ảnh, bài viết trên website, slogan... Tiếp thị được xem là “viral" khi nội dung, thông điệp bắt đầu được công chúng chia sẻ rộng rãi. Chỉ cần nó chạm tới cảm xúc của khách hàng (cảm xúc ở đây có thể là tích cực hoặc tiêu cực), thì cơ hội lan truyền càng dễ dàng hơn. Từ đó thúc đẩy khách hàng quan tâm đến thương hiệu, sản phẩm và nội dung bạn tạo ra thông qua lượt xem, lượt yêu thích và đặc biệt là lượt chia sẻ. Khi đó, nội dung/ thông điệp mà marketer mong muốn truyền tải sẽ có mặt hầu hết trên social media của mọi người.

Nội dung Viral Marketing không nhất thiết phải được tạo ra từ một chiến dịch Marketing có chủ đích trước. Mà đôi khi nó xuất phát tự nhiên, ngay cả người tạo ra nó cũng không thể lường trước được mức độ lan truyền.

Ví dụ về Viral Marketing của Điện Máy Xanh

Chiến dịch quảng cáo của Điện máy xanh từng “làm mưa làm gió” một khoảng thời gian dài trên hầu hết các phương tiện truyền thông (từ truyền thống đến các kênh social media). Theo thống kê từ Buzzmetrics, trang tạo được nhiều tương tác nhất có tới 14.304 bình luận, 167.464 lượt thích, 15.068 chia sẻ chỉ trong vòng 9 ngày kể từ khi ra mắt. Cũng trong thời điểm đó, video quảng cáo của Điện máy xanh đã lọt vào vị trí thứ 2 trong top 10 video có lượt xem nhiều nhất Châu Á. Đây quả là những con số ấn tượng mà tất cả các marketer đều mong muốn đạt được.

Tổng hợp quảng cáo "làm mưa làm gió" của Điện Máy Xanh

2. Viral Marketing hoạt động như thế nào?

Phần lớn Viral Marketing hiện đại trên social media có thể được hình dung dễ dàng bằng sự phổ biến của văn hóa meme.

Mặc dù không nhất thiết phải gắn liền với một sản phẩm cụ thể nào nhưng cách meme lan truyền vẫn đi đôi với các nguyên tắc lan truyền.

Đơn cử như cách mà những hiện tượng như Baby Yoda hoặc “OK boomer” bỗng nhiên chiếm lấy newfeed của bạn. Các meme này được chia sẻ và truyền bá rầm rộ vì chúng được mọi người đón nhận thông qua các “lượt thích” và lượt chia sẻ.

Quy tắc hoạt động của Viral Marketing

Các quy tắc tương tự cũng được áp dụng cho Viral Marketing khi những người theo dõi và khách hàng chia sẻ thông điệp của một thương hiệu. Vì họ cảm thấy thông điệp hoặc quảng cáo đó khơi dậy được sự hứng thú và quan tâm.

Để đạt sự thành công cho chiến dịch lan truyền cũng là một thử thách đặc biệt khó khăn dành cho các thương hiệu.

Sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng cố gắng khiến thương hiệu của mình trở nên viral. Nhưng chỉ một vài doanh nghiệp có thể đạt được phạm vi tiếp cận toàn cầu mà họ mong muốn.

3. Vì sao Viral Marketing được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để triển khai?

3.1. Ưu điểm

Bất cứ một Marketer nào cũng mong muốn chiến dịch của mình được lan truyền mạnh mẽ. Viral Marketing như một “đòn bẩy" giúp thương hiệu của bạn đến với nhiều khách hàng hơn, bên cạnh đó nó còn mang lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp:

Tiết kiệm chi phí quảng cáo

Để một chiến dịch Marketing được lan truyền mạnh mẽ, ban đầu bạn cần phải bỏ ra một số chi phí quảng cáo qua kênh social, tv, PR… nhằm tạo “cú hích” để tiếp cận với khách hàng.

Nhưng khi đã tạo được tiếng vang thì mọi chi phí để quảng cáo, tiếp cận với khách hàng gần như bằng không. Bởi, trong Viral Marketing khách hàng sẽ thay thế bạn làm nhiệm vụ quảng bá, truyền tải thông điệp đến với nhiều người hơn. Hiệu quả mang lại đôi khi còn mạnh hơn gấp nhiều lần so với các hình thức quảng bá khác.

Tuy nhiên, để làm được điều này, bạn cần phải sáng tạo ra những ý tưởng mới, thật bùng nổ và khác biệt. Đây là mấu chốt quan trọng nhất trong Viral Marketing.

Dễ triển khai

Mạng xã hội giúp việc khuyến khích nhiều người khác truyền bá thông điệp của bạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Bạn có thể tiếp cận với bạn bè và gia đình ngay lập tức mà không phải tốn quá nhiều thời gian.

Khả năng tiếp cận cực kỳ lớn

Viral Marketing là một trong những chiến thuật Marketing tạo được sự bùng nổ trong khoảng thời gian khá ngắn. Một khi được phát tán, khả năng lan truyền sẽ đạt đến tốc độ mà bạn không thể ngờ được. Đây là một lợi thế rất lớn của Viral Marketing, giúp doanh nghiệp cảm thấy hứng thú và lựa chọn thực hiện hơn.

Bạn thường thấy, có thể sau một đêm bỗng dưng một thương hiệu nào đó dễ dàng phổ biến ở khắp các mặt báo, các kênh social hay trên truyền hình. Nhưng đằng sau sự thành công vang dội này có khi là quá trình dài đằng đẵng của cả một tập thể.

Tăng nhận thức về thương hiệu

Nội dung mang tính viral thường được nhiều người chia sẻ, tạo nên sự lặp lại cho người đọc. Vô tình quá trình này tạo ra sự ghi nhớ về thương hiệu trong nhận thức khách hàng. Một khi sản phẩm hay dịch vụ được nhiều người nhắc đến rất dễ tạo lòng tin với những khách hàng khác.

Chẳng hạn, trong lúc online facebook với khá nhiều tin tức khác nhau sẽ có những thông tin khiến bạn chú ý ngay lần đầu, nhưng cũng có một số thông tin bạn phớt lờ đi. Nếu thông tin chưa được quan tâm cứ xuất hiện nhiều lần trên newfeed chắc chắn sẽ khiến người dùng tò mò, thắc mắc và tìm hiểu về nó nhiều hơn. Họ bắt đầu có thêm nhận thức về thương hiệu của những thông tin này.

Thu hút khách hàng tiềm năng

Bên cạnh đó, khi thương hiệu của bạn được khách hàng ghi nhớ, khách hàng sẽ dần chuyển dịch từ chưa có nhu cầu sang muốn mua sản phẩm. Điều này góp phần gia tăng doanh số bán hàng.

3.2. Nhược điểm

Mối e ngại về quyền riêng tư

Theo một cuộc khảo sát của IDC, có tới 84% người dùng lo ngại về tính riêng tư của thông tin cá nhân mà họ cung cấp.

Nếu marketer thu thập email cũng như các thông tin cá nhân khác của khách hàng, hãy đảm bảo cho họ biết những thông tin này sẽ được sử dụng như thế nào.

Nguy cơ gây điều tiếng tiêu cực

Theo bạn, mục đích của tạo dựng chiến lược viral marketing là gì? Có phải càng nhiều tranh cãi thì chiến dịch viral thành công. Có lẽ ranh giới giữa viral và điều tiếng tiêu cực khá mong manh.

Viral Marketing khiến cho thương hiệu của một doanh nghiệp chiếm được thiện cảm của công chúng. Chứ không phải là điều ngược lại, gây ra điều tiếng tiêu cực cho sản phẩm đang được quảng bá.

Tuy nhiên, một số chiến dịch lại mắc sai lầm khi trở nên viral vì những vấn đề nhạy cảm.

Vấn đề thư rác

Một chiến dịch tiếp thị đôi khi có thể phản tác dụng khi không chỉ không gây được tiếng vang với khách hàng mà lại gây ấn tượng xấu về việc gửi thư rác.

Đừng quá nóng vội khi cố gắng viral. Xác định được mục tiêu chính xác sẽ là bước đệm giúp cho chiến dịch Viral Marketing thành công.

4. Những lưu ý để chiến dịch Viral Marketing được lan truyền mạnh mẽ

Giá trị cốt lõi tạo nên nội dung lan truyền phải đi từ việc thấu hiểu người dùng. Bởi chính họ sẽ thay thế các công cụ khác để lan tỏa thông điệp của bạn đến với nhiều người. Nếu người làm Viral Marketing không hiểu người dùng sẽ rất khó chạm được cảm xúc và khiến họ chia sẻ. Để làm được điều này, bạn phải biết được yếu tố nào dễ tác động đến hành vi người dùng.

Nội dung hữu ích và độc nhất

Nội dung hữu ích, mang lại giá trị cho người dùng là loại nội dung dễ lan truyền nhất. Bởi họ muốn những người thân, bạn bè xung quanh mình đọc được những nội dung này. Do đó,  tuỳ vào từng sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, bạn hãy đưa ra những thông tin bổ ích cho người dùng.

Tuy nhiên, bạn cũng cần đảm bảo đây là nội dung mà bạn sáng tạo ra đầu tiên, không trùng lặp với những nội dung đã có trên thị trường. Hoặc nếu là thông tin đã có bạn cần tiếp cận theo một chiều hướng mới. Bởi nếu bắt chước hoặc lặp lại những ý tưởng đã có sẵn trước đó sẽ làm mất giá trị thương hiệu trong lòng khách hàng.

Ví dụ về cách xây dựng nội dung mới lạ từ 1977 Vlog

Vào thời điểm gần cuối năm 2019 xuất hiện một nhóm sản xuất video hài trên kênh YouTube có tên 1977 Vlog. Chỉ với 1 video đăng tải đã giúp kênh này thu về hơn 100.000 lượt đăng ký. Yếu tố giúp video này mang tính viral cao, được nhiều người quan tâm chính là cách xây dựng nội dung mới lạ. Bằng cách chuyển thể những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam sang những video ngắn dưới dạng phim xưa theo hơi hướng hài hước, vui nhộn xen kẽ với những trào lưu nổi bật ở từng thời điểm.

Cách xây dựng nội dung này như một món ăn tinh thần mới đối với người xem, tạo cho họ cảm giác thú vị, mới lạ. Nhờ vậy đã giúp 1977 trở nên nổi bật, được nhiều người biết đến hơn nhờ những clip mang tính Viral cao như thế này.

Nội dung truyền tải được cảm xúc

Cảm xúc chính là yếu tố quyết định nội dung có được lan truyền không. Dù là tiêu cực hay tích cực cũng đều nhận được sự chú ý như nhau từ người dùng. Quan trọng là bạn phải biết được loại cảm xúc nào phù hợp với thương hiệu của mình. Làm được điều này, chiến dịch Viral Marketing sẽ trở nên lan tỏa hơn.

Hơn nữa, cảm xúc trong mỗi chiến dịch Viral Marketing phải chạm đến đỉnh của cảm xúc mới kích thích hành động của người dùng. Kiểu cảm xúc nửa vời, rất khó tạo nên tính Viral.

Ví dụ về Viral Marketing của Shopee: chiến dịch “Baby Shark"

Giai điệu “Cùng Shopee i i i i…” từng không chỉ vang khắp các phương tiện truyền thông tại Việt Nam mà còn ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philipin, Singapore… Tính đến thời hiện tại (tháng 2/2020) video này đã đạt trên 65 triệu view.

Thành công này một phần là nhờ Shopee đã tiếp nối được cảm xúc tuyệt vời từ bài hát Baby Shark trước đó. Đây là một bài hát vui nhộn, bắt tai được nhiều người yêu thích (tức là đã viral trước khi Shopee thực hiện). Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với chiến dịch này của Shopee, nhiều khách hàng cảm thấy phiền và khó chịu khi giai điệu này lặp lại quá nhiều lần.

Hai luồng cảm xúc trái chiều này làm cho chiến dịch Viral Marketing của Shopee càng trở nên nổi bật hơn. Cụ thể, với những người chưa xem video họ sẽ tò mò về nội dung và bắt đầu tìm kiếm về nó.

Kết quả thu về từ chiến dịch này đã mang về cho Shopee những con số ấn tượng: số lượt truy cập website trung bình cao nhất cả nước trong quý 3/2018; lượt truy cập website tăng lên 30% (từ vị trí số 3 lên vị trí đầu tiên).

Sự hỗ trợ của các kênh truyền thông

Phương tiện truyền thông xã hội bùng nổ đã góp phần không nhỏ vào việc làm tăng tính viral của nhiều chiến dịch Marketing. Khi mà người dùng dành nhiều thời gian để tham gia vào các diễn đàn hay lướt mạng xã hội thì cơ hội được chia sẻ cũng tăng theo.

Các kênh Social Media như youtube, facebook, blog… là những kênh truyền thông chính góp phần đưa nội dung bạn đến với nhiều khách hàng hơn. Một lợi thế lớn là nó hoàn toàn miễn phí và được người dùng tự nguyện chia sẻ.

Đừng cố gắng chèn quảng cáo

Viral Marketing không chỉ đơn thuần là những quảng cáo mà mọi người cùng chia sẻ.

Khi áp dụng chiến lược này, hãy tạm quên thương hiệu và sản phẩm của bạn để tập trung tạo ra một câu chuyện thú vị.

Việc quảng cáo sản phẩm đòi hỏi người làm marketing phải rất tinh tế. Sản phẩm không là tâm điểm mà chỉ nên là yếu tố phụ giúp làm nổi bật thông điệp chính.

Làm những phần tiếp theo

Một khi mọi người đã xem chiến dịch và chú ý đến sản phẩm của bạn, việc cần làm sau đó là tiếp tục triển khai nội dung này thành nhiều phần hơn nữa.

Làm phần tiếp theo chính là cách tốt nhất để đáp ứng sự tò mò của khách hàng. Qua đó đưa thương hiệu của bạn ngày càng tiếp cận tới rộng rãi công chúng hơn.

Ví dụ về chiến dịch “Đi để trở về" của Biti's

Chiến dịch viral video “Đi để trở về” vào Tết năm 2017 của nhãn hàng Biti’s đã thực sự tạo ra cú hích lớn với doanh thu vượt định mức tới 300%.

Video thuộc chiến dịch Đi để trở về của nhãn hàng Biti’s

Liên tục những sau đó theo, Biti’s lại cho ra mắt phần tiếp theo của chiến dịch này để kết hợp giới thiệu dòng sản phẩm mới.

Tạo điều kiện để thúc đẩy sự chia sẻ

Chia sẻ chính là tất cả những gì mà Viral Marketing hướng tới. Nội dung doanh nghiệp tạo ra càng dễ chia sẻ, chiến dịch sẽ càng lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Hãy cho phép và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người đều có thể dễ dàng download, chia sẻ nội dung của bạn qua email hay trên bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào.

Không hạn chế quyền truy cập

Cốt lõi của Viral Marketing là sự lây lan nhanh chóng như một loại virus, thông điệp của Viral Marketing cũng phải luôn mang tính công khai.

Vì vậy, đừng yêu cầu khách hàng phải đăng ký thành viên hay tải xuống những phần mềm đặc biệt, v.v.. để theo dõi nội dung chiến dịch.

Việc hạn chế quyền truy cập chỉ khiến khách hàng e ngại tiếp cận, chiến dịch cũng bị giảm bớt đi sự lan truyền.

5. Năm bước cơ bản để tạo một chiến lược Viral Marketing

Trong phần này, nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về một chiến dịch Viral Marketing thành công như thế nào, Zozo sẽ đi vào từng bước cơ bản của một chiến dịch. Chúng ta sẽ cùng phân tích một ví dụ cụ thể đó là chiến dịch Viral Marketing “Chuyện cũ bỏ qua” của Mirinda.

Bước 1: Nghiên cứu khách hàng và thị trường

Mọi chiến dịch Viral Marketing muốn thành công, có mức độ lan tỏa tốt đều phải lấy khách hàng làm trung tâm. Vì vậy, cần nghiên cứu xem khách hàng mình đang có nhu cầu gì ở thời điểm hiện tại, từ đó lên kế hoạch nội dung và các yếu tố khác để mang lại hiệu quả tối đa. Ngoài ra, hiểu khách hàng còn giúp bạn trả lời được các câu hỏi như:

  • Khách hàng muốn xem gì, nghe gì, đọc gì?
  • Nội dung khách hàng muốn chia sẻ là gì?
  • Cách nào giúp khách hàng chia sẻ thuận tiện nhất?

Bên cạnh việc hiểu khách hàng, nghiên cứu thị trường trước khi tung ra một sản phẩm Viral Marketing càng tăng cơ hội thành công cho chiến dịch. Lúc này, bạn hiểu được những gì người dùng thích và không thích. Thậm chí, qua việc nghiên cứu thị trường bạn còn nắm bắt được những xu hướng đang được yêu thích, tận dụng thời cơ để bắt trends làm ra những sản phẩm viral cao.

Ví dụ: Cuối năm 2018 , Mirinda tung ra một video thuộc chiến dịch Viral Marketing với chủ đề “Chuyện cũ bỏ qua”. Nắm bắt tâm lý của đa số người dân Việt Nam là bước sang năm mới mọi buồn phiền, xích mích của cả năm đều có thể bỏ qua để chào đón cái Tết viên mãn, hạnh phúc nhất. Mirinda đóng vai trò hòa giải mọi mâu thuẫn, hiểu lầm trong năm cũ, cùng chung vui, đón Tết trong hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười. Mặt khác, thị trường giải trí vào dịp cuối năm ưa chuộng những bài hát, video vui nhộn nên chiến dịch của Mirinda vô cùng hợp lý.

Bước 2: Chọn mục tiêu và thông điệp

Mỗi một sản phẩm Viral Marketing chỉ nên có một thông điệp duy nhất để tránh gây sự mơ hồ khi truyền tải nội dung đến khách hàng. Và đương nhiên thông điệp phải hoàn thành mục tiêu đề ra ban đầu.

Bước nghiên cứu khách hàng và thị trường tạo tiền đề để xây dựng thông điệp và mục tiêu đúng với đối tượng khách hàng. Chỉ cần một sai lầm nhỏ trong việc chọn mục tiêu và thông điệp rất dễ khiến thương hiệu bị ảnh hưởng tiêu cực.

Chẳng hạn, nhãn hàng Burger King phải nhận những chỉ trích dữ dội từ những người Châu Á khi tung ra video quảng cáo về một loại bánh burger mới cách ăn bằng đũa. Việc lựa chọn mục tiêu truyền tải và xây dựng thông điệp không mấy tinh tế đã khiến nhãn hàng bị tẩy chay ở nhiều nước Châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Họ cho rằng đây không phải là một chiến dịch hài hước, vui nhộn mà là chế giễu văn hóa phương Đông.

Bây giờ, chúng ta tiếp tục với ví dụ về Viral Marketing của Mirinda:

“Chuyện cũ bỏ qua” là thông điệp chính và mục tiêu là gia tăng doanh số bán hàng trong mùa Tết 2019. Vào dịp Tết nhu cầu về ăn uống tăng cao, kết hợp với tâm lý khách hàng mà Mirinda nghiên cứu được ở bước đầu tiên, Mirinda chọn cách trở thành “đại sứ hòa giải” để kết nối mọi người, tạo thêm tiếng cười trong những ngày đầu năm. Yếu tố hài hước, vui nhộn trong video này mang lại những cảm xúc tích cực cho người xem, khiến họ yêu thích và lựa chọn sản phẩm của Mirinda.

Bước 3: Xây dựng nội dung

Đây là bước quan trọng và quyết định chiến dịch Viral Marketing của bạn có nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng không. Bởi nếu một thông điệp hay, một chiến lược hoàn hảo nhưng nội dung lại không thể hiện được những điều đó thì cũng vô nghĩa.

Nội dung viral có thể được xây dựng ở dạng hình ảnh, video, bài viết… miễn sao nó phù hợp với định hướng của từng doanh nghiệp. Đặc biệt hơn, thứ thúc đẩy hành động của người dùng chính là cảm xúc, vì vậy xây dựng nội dung truyền đạt được cảm xúc cho người xem là thành công trong bước xây dựng nội dung.

Trong chiến dịch “Chuyện cũ bỏ qua” Mirinda lựa chọn hình thức triển khai nội dung dưới dạng MV. Nội dung xuyên suốt video là những mâu thuẫn, đấu đá từ cuộc sống hằng ngày đến những sự kiện nổi bật trong cả năm. Chiến lược nội dung cụ thể của Mirinda như sau:

  • Nội dung xoay quanh những mâu thuẫn trong đời sống hằng ngày giữa những người hàng xóm, những người thân trong gia đình,..
  • Xây dựng những mâu thuẫn này một cách hài hước, vui nhộn.
  • Sản phẩm của Mirinda trở thành “đại sứ hòa giải” để gỡ rối những mâu thuẫn, mang lại tiếng cười rộn rã vào dịp Tết, kết nối mọi người với nhau. 

Bước 4: Phân phối nội dung

Bạn muốn nội dung được lan truyền? Trước tiên hãy chủ động truyền tải nội dung đến trực tiếp với đối tượng khách hàng mục tiêu thông qua các kênh truyền thông phù hợp. Đây là bước quan trọng nhất bạn cần làm sau khi sản xuất được nội dung, bởi nếu nội dung không được phân phối sẽ không ai biết đến và lan truyền nó.

Nếu ngày xưa nội dung chỉ được phân phối trên các phương tiện truyền thông truyền thống rất khó để tạo được sự lan truyền. Nhưng hiện nay, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội là những kênh phân phối cực kỳ hiệu quả cho chiến dịch Viral Marketing. Thông qua các kênh truyền thông như youtube, facebook, blog, diễn đàn… nội dung không những được tiếp cận với nhiều người mà còn được lan truyền thông qua nút chia sẻ nếu họ cảm thấy thích thú.

Ví dụ: Chiến dịch “Chuyện cũ bỏ qua” được phân phối ở tất cả các kênh như:

  • YouTube
  • Diễn đàn trên Facebook
  • KOL

Bước 5: Đánh giá, theo dõi chiến dịch

Không phải bất kỳ chiến dịch Viral Marketing nào cũng mang lại thành công như mong đợi. Bởi, dù bạn có một chiến lược chỉn chu đến mấy thì cũng khó lường trước được phản ứng của người dùng ra sao. Vì vậy, sau khi nội dung được xuất bản và phân phối thì nhiệm vụ tiếp theo các người làm Marketing là theo dõi chiến dịch và đánh giá, tối ưu cho phù hợp.

Sẽ có 3 trường hợp xảy ra khi một chiến dịch Viral Marketing được phân phối:

  • Người dùng hài lòng và phản ứng tích cực với nội dung bạn tạo ra: nhiệm vụ lúc này của bạn chỉ cần theo dõi các chỉ số viral và ghi nhận lại phản hồi từ khách hàng để phát triển cho những chiến dịch sau.

Ví dụ: Chiến dịch “Chuyện cũ bỏ qua là một thành công trong Viral Marketing của Mirinda với những con số đáng ngưỡng mộ như lượt xem gần 118 triệu lượt, hơn 1 triệu tương tác trên mạng xã hội, bài hát lọt vào top trending của YouTube, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dùng. 

Nhờ thành công này mà vào cuối năm 2019 Mirinda tiếp tục tung ra video Viral nối tiếp với “Chuyện cũ bỏ qua” có tên là “Thu mua truyện cũ”.

  • Không tạo được tính Viral: lúc này bạn cần theo dõi xem những điểm nào khiến nội dung bạn không thu hút được khách hàng, ghi nhận lại để cải thiện cho những lần sau.
  • Người dùng có phản ứng tiêu cực với nội dung Viral: đây là trường hợp xấu nhất khi làm Viral Marketing, không ai mong muốn nhận được. Việc theo dõi chiến dịch sau phân phối giúp bạn có những biện pháp khắc phục kịp thời với những tình huống xấu như bị tẩy chay nhãn hàng, khán giả phản ứng dữ dội…

Ví dụ: Như ví dụ về video Viral Marketing của nhãn hàng Burger King bên trên là một trong những chiến dịch Viral thất bại, bị khách hàng tẩy chay mạnh mẽ. Sau khi nhận được những phản ứng gay gắt từ khách hàng, Burger King đã lập tức xóa video và lên tiếng xin lỗi.

Việc đánh giá và theo dõi một chiến dịch Viral Marketing đang triển khai giúp bạn tìm được những điểm yếu ở chiến dịch lần này để tối ưu lại tốt hơn trong những chiến dịch tiếp theo. Đồng thời, hiểu được khách hàng mục tiêu của mình yêu thích điều gì để phát huy trong tương lai.

Zozo hy vọng bài viết này có ích với bạn. Nếu thấy bài viết hay, đừng quên chia sẻ cho mọi người nhé!

------

Zozo - Hệ thống nền tảng ứng dụng hỗ trợ kinh doanh online hiệu quả 

Địa chỉ: 

  • Hà Nội: Số 247 Cầu Giấy, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy
  • Đà Nẵng: Số 56 Nguyễn Tri Phương, Phường Chính Gián, Quận Thanh Khê
  • TP. HCM: Số 40 Hoàng Việt, Phường 4, Quận Tân Bình

Hotline: 0904.599.985/ 0936.231.322 / 090.488.60.94

 

>> Có thể bạn quan tâm:

Programmatic Advertising là gì? Tất cả những gì bạn cần biết để có Programmatic Advertising hiệu quả

Visual storytelling - Xu hướng content sáng tạo đột phá trong tương lai

 

 

Để lại ý kiến

Cho chúng tôi và cộng đồng biết quan điểm của bạn